Hoàng Việt Hằng là 1 người đàn bà đi nhiều. Đi nhiều, nhiều vốn sống, trải nghiệm và thích viết. Cảm giác chị viết rất nhanh, viết tản văn như chơi, “buông câu nhả chữ”  nhẹ nhàng mà đủ sức níu giữ người đọc bằng hình ảnh. Bằng sự quan sát tinh tế, chị cảm nhận được sự vận động, cựa quậy của thiên nhiên và luôn nhìn thiên nhiên bằng con mắt của 1 người đàn bà nhạy cảm, nhiều tâm trạng.   Âm hưởng chung của tập tản văn “Tiếng dẻ cùi phía cây cơm vàng” là chất man mác buồn trong sự hoài niệm. Hoài niệm về những cảnh đời, cảnh vật đã đi qua, hoài niệm về những giá trị một thời đã mất. Những giá trị tinh thần dường như luôn nằm trên 1đường thẳng song song với các giá trị vật chất.





Người kể chuyện duyên dáng và lãng mạn

VIỆT VĂN

Hoàng Việt Hằng không phải là một cái tên xa lạ, khi chị đã nhiều lần nhận giải thưởng văn học và báo chí từ giải Hội nhà văn HN, tặng thưởng Hội nhà văn VN, Giải thưởng Ủy ban toàn quốc toàn quốc liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật VN, Giải thưởng Tổng liên đoàn lao động VN... Chị được giải về thơ, cả về tiểu thuyết và tản văn- là sự hiếm có trong giới nhà văn nữ.  Và mới nhất chị vừa cho ra mắt tập tản văn “Tiếng dẻ cùi phía cây cơm vàng” (NXB Phụ nữ, 2013).

Hoàng Việt Hằng là 1 người đàn bà đi nhiều. Đi nhiều, nhiều vốn sống, trải nghiệm và thích viết. Cảm giác chị viết rất nhanh, viết tản văn như chơi, “buông câu nhả chữ”  nhẹ nhàng mà đủ sức níu giữ người đọc bằng hình ảnh. Bằng sự quan sát tinh tế, chị cảm nhận được sự vận động, cựa quậy của thiên nhiên và luôn nhìn thiên nhiên bằng con mắt của 1 người đàn bà nhạy cảm, nhiều tâm trạng.  
Âm hưởng chung của tập tản văn là chất man mác buồn trong sự hoài niệm. Hoài niệm về những cảnh đời, cảnh vật đã đi qua, hoài niệm về những giá trị một thời đã mất. Những giá trị tinh thần dường như luôn nằm trên 1đường thẳng song song với các giá trị vật chất.
“Dấu ngõ” mở đầu tập sách là một tản văn hay. Chỉ là 1 ngõ nhỏ mà “hằn sâu trong tôi như một vệt nâu trên bản đồ trí nhớ”. Một ngõ nhỏ có chị Thường ngày bán một yến bún mà nuôi hai đứa trẻ ăn học, một người già lẩn thẩn, một cô em chồng tai biến mạch máu não. Một cậu Túc 60 tuổi thạo 6 nghề vì lương thiện quá mà hóa nghèo, một cụ Tam Hoàng chết hạnh phúc trong 1 cơn mưa...

Hoàng Việt Hằng biết lắng nghe, chia sẻ với những thân phận nghèo khổ, có khi dưới đáy xã hội và chị có những chất liệu hay, những “bột” quý để “gột nên hồ”, dù đôi lúc chợt nghĩ nếu chị phát triển cấu tứ đó sẽ có thể thành một truyện ngắn hay.
Nét văn hóa thưởng lãm chè sen của người Hà Nội, 5 ngôi chùa cổ ở hồ Tây, rêu phong chùa Bổ, tiếng hát người quét lá, vị khách đi mua thuốc an thần ở chùa Hoa Yên... là một lối viết nhẩn nha, kể chậm trong một ước muốn đúng hơn là trong một thực hành sống nghĩ chậm, sống chậm.
Trong vòng xoáy nghiệt ngã của cuộc đời, sống chậm không dễ, và tất cả cũng giống như 1 buổi ngồi thiền: luôn luôn bắt đầu lại từ đầu.
“Tản mạn đi gặp Quảng Trị” xúc động với thân phận những người vợ mất chồng, mẹ mất con, những chia ly , mất mát mà không 1danh hiệu nào, một bù đắp nào có thể làm vơi bớt nỗi đau tận thẳm sâu, mà nhiều khi người trong cuộc chỉ biết độc thoại với lòng mình.   “Ba lần trở lại bến Gót” là câu chuyện về bà lão Vớt với tấm lòng Bồ tát chôn cất những người xấu số ra biển, giỗ chạp cúng bái như người thân, để dân làng còn nhớ mãi. Và tác giả kết : “Thế là thảo dân vô danh cũng được dân biển ghi nhớ. Đâu có cần bia đá, tượng đồng?”.
“Người vẽ hoa phù dung”lại là mảnh đời của 1 nữ họa sỹ tài hoa, không , đúng hơn là cuộc đời của 2 họa sỹ không thể đến với nhau vì những rào cản tự họ đặt ra nhưng xét đến cùng nghệ sỹ có những tác phẩm sáng tạo xuất sắc thường cô đơn!

 Kể chuyện người có duyên, kể chuyện mình còn duyên hơn. “Cây cầu và những chiếc đinh khuy” là hoài niệm về cây cầu Long Biên, nơi khắc dấu tình yêu của chính tác giả và người chồng (nhà văn Triệu Bôn). Tôi thích cách ví von của chị: những chiếc ốc vít như khuy ngực áo của cây cầu Long Biên. Cây cầu của khởi đầu và cũng là đích đến của hạnh phúc mà không cần một ổ khóa nào.
Nhưng mà cái đích của hạnh phúc là gì? Hay đúng hơn hạnh phúc ở ngay mỗi phút giây đang sống chứ không phải là điểm cuối của 1 hành trình vô định.