Những ai có tìm hiểu chút ít về điện ảnh thế giới đều biết, bây giờ không còn quốc gia nào áp dụng hình thức sửa phim. Hội đồng duyệt phim chỉ đưa ra một trong hai quyết định, hoặc đồng ý cho phát hành, hoặc cấm phát hành. Tại sao xuất hiện thêm khái niệm “đề nghị cho sửa phim”? Theo giải thích của các thành viên Hội đồng duyệt phim thì, đây là cách để ưu ái các nhà làm phim Việt, mong muốn các nhà làm phim sẽ tiếp tục làm nghề. Tuy nhiên, sửa phim được hay không sửa phim như thế nào thì hầu như không có tiêu chí, Hội đồng duyệt phim phó mặc nhà làm phim tự loay hoay trong hàng ngàn băn khoăn không thể lý giải.





DUYỆT PHIM KHÓ HAY SỬA PHIM DỄ ?

Thị trường phim hè năm nay, các rạp tràn ngập phim ngoại. Lý do, kinh tế khó khăn, chỉ có một phim “Bụi đời Chợ Lớn” lên kế hoạch chinh phục công chúng nhưng cuối cùng phải lỗi hẹn khán giả vì... sửa phim. Cả người hâm mộ lẫn nhà làm phim đều không dám tin, “Bụi đời Chợ Lớn” có thể ra mắt như dự kiến. Bởi lẽ sửa phim là một công việc không hề đơn giản. Kết quả cuối cùng thật bất ngờ, sau mấy phen nâng lên đặt xuống, Hội đồng duyệt phim đã ban ra quyết định cấm chiếu đối với “Bụi đời Chợ Lớn”.

Những ai có tìm hiểu chút ít về điện ảnh thế giới đều biết, bây giờ không còn quốc gia nào áp dụng hình thức sửa phim. Hội đồng duyệt phim chỉ đưa ra một trong hai quyết định, hoặc đồng ý cho phát hành, hoặc cấm phát hành. Tại sao xuất hiện thêm khái niệm “đề nghị cho sửa phim”? Theo giải thích của các thành viên Hội đồng duyệt phim thì, đây là cách để ưu ái các nhà làm phim Việt, mong muốn các nhà làm phim sẽ tiếp tục làm nghề. Tuy nhiên, sửa phim được hay không sửa phim như thế nào thì hầu như không có tiêu chí, Hội đồng duyệt phim phó mặc nhà làm phim tự loay hoay trong hàng ngàn băn khoăn không thể lý giải.

Mỗi bộ phim khi ra đời đã là một chỉnh thể thống nhất từ ý tưởng, bối cảnh cho đến trang phục, âm thanh. Với định dạng như vậy, những người làm nghề chuyên nghiệp sẽ biết rằng, chỉ có thể cắt gọt chứ không thể chỉnh sửa. Không một đạo diễn hay một biên tập nào có thể sửa phim bằng cách thay đổi tình huống và diễn xuất. Nói một cách thẳng thắn, sửa phim là một lời đánh đố. Chẳng đặng đừng, nếu sửa phim tức là phải làm lại cả bộ phim ngay từ trong kịch bản!

Trước đây, để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, bộ phim “Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long” được đầu tư bạc tỷ, nhưng bị ách lại để... sửa phim theo yêu cầu của Hội đồng duyệt phim. Sau ba năm chỉnh tới chỉnh lui và ba lần nhận được yêu cầu tiếp tục chỉnh sửa, đến nay “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” vẫn nằm yên trong kho dù đã có văn bản đồng ý cho phát hành. Lý do, không một ai dám tự  tin về một bộ phim đã tháo rời ra, lắp ghép chỗ này, thay đổi chỗ kia có thể đưa lên sóng truyền hình để người xem đánh giá công tâm và khách quan. Giáo sư sử học Lê Văn Lan, người được mời thẩm định nội dung “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” khẳng định: “Việc sửa chữa bộ phim chỉ qua loa một vài tình tiết được coi là dài dòng, còn cái dụng ý làm không đúng lịch sử Việt Nam thì các nhà làm phim không chịu sửa. Nói chung, tinh thần và những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta oanh liệt là thế, nhưng phim này thể hiện rất mờ nhạt, không làm nổi bật lên được”.

Sửa phim, hay đẽo chân cho vừa giày? Phim được sửa và phim nguyên bản khi so sánh với nhau về giá trị nghệ thuật sẽ ra sao? Câu hỏi ấy không ai dám mạnh dạn trả lời, và càng không ai rạch ròi về hệ lụy sửa phim. Với bộ phim “Chợ đời Chợ Lớn”, đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết: “Phim đã chỉnh sửa hai lần, nhưng giờ thì không dừng ở chỉnh sửa mà nhà sản xuất quyết định quay thêm để phim nhân văn hơn, dù rằng giá thành đầu tư phim cho đến thời điểm này đã gấp hai lần dự toán ban đầu”. Lẽ ra, nếu bị cấm ngay từ đầu thì “Bụi đời Chợ Lớn” không phải mất công sức và tiền của cho việc sửa phim!

Việt Nam đang từng bước hội nhập sâu rộng cùng quốc tế. Điện ảnh là một loại hình nghệ thuật tiên phong trong việc đứng cùng sân chơi với bạn bè năm châu. Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải học tập cách duyệt phim của những nền điện ảnh phát triển, không thể tồn tại kiểu “ưu ái sửa phim”! Quyết định lần này đối với “Bụi đời Chợ Lớn” tuy hơi muộn và hơi… nấn ná một cách nghiệp dư nhưng lệnh cấm cũng chứng minh một thái độ thẳng thắn đáng hoan nghênh.

                                  TÂM HUYỀN