Phật đã nhiều lần xả thân cúng dường, hy sinh mạng sống để cứu độ chúng sinh. Thí dụ như có một lần, đức Phật trong kiếp làm thái tử của một nước. Thái tử đi vào rừng thấy con cọp mẹ sắp chết mà bầy cọp con đang thiếu thức ăn. Thái tử đọng lòng từ tâm nghĩ “tâm từ phải rải đến tất cả chúng sanh. Chẳng lẽ ta đứng nhìn bầy cọp sắp chết. Ta phải hy sinh tấm thân này để cứu chúng, mong rằng ta sẽ bước lần tới mức giác ngộ hoàn toàn, hầu cứu độ chúng sanh ra khỏi luân hồi. Ước mong tất cả chúng sanh điều an vui hạnh phúc”. Sẽ có người cho câu chuyện đức Phật trong tiền kiếp hy sinh tấm thân cho lũ cọp sắp chết ăn là chuyện hiểu, được ý phải quên lời. Đấy là chuyện bất khả tư nghị, nếu nối kết nó với hình ảnh Bồ Tát Quảng Đức chấp tay thiền định trong lửa hồng. Những ai chứng kiến đều phải rúng động tâm can không tin vào đôi mắt của mình. Đấy là hình ảnh của một vị Bồ Tát mang tâm từ bi lớn lao, vì muốn phá vô minh của người mà quên mạng sống của người. Tâm đại từ đưa tới đại dũng đại trí ngọn lửa từ bi của Bồ Tát thật là vô tiền khoáng hậu.



THỰC NGHĨA SỰ HY SINH CỦA BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC

NGÔ KHẮC TÀI

I
Đạo Phật là đạo của từ bi, hòa bình nên lịch sử của đạo Phật cho dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, thịnh suy… Hồi giáo xâm hại tưởng như đạo Phật không còn… biện pháp đấu tranh chính vẫn là hình thức bất bạo động (Hình ảnh thánh Gandi và hình ảnh đức Đạt lai đạt ma như nói lên điều này). Dường như lịch sử Phật giáo thế giới lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam, Lễ Phật Đản năm 1963. Do bất khả kháng, chẳng đặng đừng, biện pháp bất bạo động bỗng phát sinh ra một việc mới… dùng cái chết của mình để thức tĩnh lòng người. Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu hóa thành ngọt đuốc soi sáng thế giới vô minh với hy vọng, lương tâm nhân loại, lương tâm những lãnh đạo lúc đó đang đi lạc nhờ ngọn đuốc kia soi sáng quay đường trở về. Cả thế giới chấn động bàng hoàng, sau Bồ Tát còn có thêm bảy ngọn lửa nữa tiếp nối, không hề tỏ ra run sợ trước bạo lực cường quyền. Đó là Đại Đức Thích Quảng Hương ở Sài Gòn. Đại Đức Thích Thiện Mỹ – Sài Gòn. Đại Đức Thích Thanh Tuệ ở Huế. Đại Đức Thích Nguyên Hương ở Phan Thiết. Ni Cô Diệu Quang ở Ninh Hòa. Thượng Tọa Thích Tiêu Diêu ở Huế. Cư sĩ Nguyễn Thìn – Sài Gòn. Do Bồ Tát Thích Quảng Đức đại từ bi, đại dũng mở đầu vì pháp quên thân, trở thành dấu ấn không phai mờ trong lòng người. Bảy vị vừa nêu tên theo tôi cũng là Bồ Tát. Như vậy ta có tất cả tám vị Bồ Tát cần tưởng niệm trong buổi lễ kỉ niệm 50 năm Bồ Tát vì pháp thiêu thân này. Và nếu như cuộc sống ngoài nghiệp của mỗi người còn có sự cộng nghiệp với cộng đồng nhân loại ta cũng hồi hướng cầu nguyện cho bạn bè đất nước Tây Tạng hiền lành, họ cũng đang rơi vào chuyện bất khả kháng.

II
Báo chí nước ngoài và báo chí trong nước xem việc các Bồ Tát tự thiêu là hành vi tử vì đạo. Đã đành nó là như vậy nhưng nó đúng không, thật nghĩa không. Nếu đem đối chiếu ý nghĩa của tử đạo của đạo Hồi, đạo Công giáo chúng ta thấy một sự khác biệt. Theo kinh Koran để được ngồi kì bên Thượng đế người cũng phái biết quên đi mạng sống nên người Hồi giáo rất can đảm, quyết liệt bảo vệ đức tin. Và với đạo Công giáo. Trước hết chúa Kito qua cái chết đau đớn trên thập tự giá đã khai sinh dựng lên giáo hội “Khi nào ta bị treo lên khỏi mặt đất. Ta sẽ kéo mọi sự về với ta” kinh thánh đã viết vậy. Do đó Công giáo xem hành vi tử đạo là cao quý để làm chứng cho chúa. Chúa đã đổ máu vì loài người nên người cần phải hy sinh máu của mình để đền đáp lại, làm chứng cho chúa. Làm chứng cho tin mừng “Một sự sống đời đời”, “Được cả thế giới mà đánh mất linh hồn có ích lợi gì”.
Trở lại, đạo Phật trước hết không có quan niệm Thượng Đế là ông trời. Ông đã tạo ra loài người rồi thả cho đi lạc xuống trần gian để thử thách đến độ phải hy sinh mạng sống mới tìm được con đường trở về. Giả dụ có ông trời đi nữa, ông trời của đạo Phật cũng hiền, chỉ dụng tâm, dụng lòng (chớ nên hiểu lòng là ruột mà mổ bụng tự xác à nghe. Đây chỉ là truyện ngụ ngôn thôi). Hình ảnh của Phật A Di Đà, Phật Quan Thế Âm là bằng chứng cho điều này. Không cần phải bắt ai hy sinh mà là hai vị Phật luôn quán xét thế gian. Những ai biết đến tiếng tăm, niệm lên hồng danh của hai vị lập tức hai vị sẽ đến cùng người. Linh hồn của đạo Phật cũng không phải là linh hồn bất tử đời đời. Mà là linh hồn luân hồi tiến hóa tùy theo nhân duyên chuyển từ dạng này qua dạng khác từ thấp đến cao hoặc ngược lại. Đạo Phật tôn trọng mạng sống muôn loài con người cũng như con vật. Đức Phật cấm sát sinh vì biết đâu con vật mang linh hồn của ai đó đầu thai lên. Huống chi hành vi tự sát hủy hoại thân thể, điều này nên không suy nghĩ cho chín chắn, cái chết chẳng giải quyết gì hết phải mang tội lớn vi phạm giới cấm.

III
Được làm người là một việc khó, hành vi tự sát là bỏ mất cơ hội, ngăn chở bước tiến hóa, đường đi của nhân quả. Phật cấm là vậy. Tuy nhiên có trường hợp – nếu vị Tỳ Kheo lấy công phu thiền hạnh tin tấn, hiểu rõ nhiếp phục tham, sân, si, biết rõ sau khi xả bỏ thân này không tiếp tục sinh thân khác thì không phạm lỗi. Theo kinh điển trong thời đức Phật chỉ có ba trường hợp duy nhất. Đó là những trường hợp của Tỳ Kheo Channa, Tỳ Kheo Vak Kali, và Tỳ Kheo Godhika. Trường hợp của ba vị này là do thân bệnh đau đớn, khổ sở nên muốn dùng dao để tự sát. Có lẽ đây là lần đầu tiên đức Phật bị rơi vào trường hợp bất ngờ nên Phật không vội vả nhận xét mà sai tôn giả Xá Lợi Phất đến thăm hỏi và tra xét Phật pháp. Mặc dù thân bệnh đau đớn các vị Tỳ Kheo vẫn trả lời thông suốt những câu hỏi về căn trần thức biến dịch, vô thường, câu hỏi về luân hồi sinh tử. Sau khi các vị qua đời, đức Phật nghe tôn giả Xá Lợi Phất kể lại lúc ấy Phật mới đưa ra lời dạy. Nếu có người chưa rõ nhân quả mà vội bỏ thân này để rồi tiếp tục thân khác. Người đó có lỗi lớn. Nếu có người nào hiểu về nhân quả bỏ thân này rồi không tiếp tục thân khác. Ta không nói người đó có lỗi lớn.
Như vậy qua đối chiếu việc tử đạo trong đạo Phật và các tôn giáo bạn ta thấy rất rõ mục đích động cơ không giống nhau.
Trường hợp Bồ Tát Thích Quảng Đức có thể nói là nó đã vi phạm giới luật nhưng hãy khoan kết luận. Ta nhớ lại Đức Phật trong nhiều tiền kiếp. Phật đã nhiều lần xả thân cúng dường, hy sinh mạng sống để cứu độ chúng sinh. Thí dụ như có một lần, đức Phật trong kiếp làm thái tử của một nước. Thái tử đi vào rừng thấy con cọp mẹ sắp chết mà bầy cọp con đang thiếu thức ăn. Thái tử đọng lòng từ tâm nghĩ “tâm từ phải rải đến tất cả chúng sanh. Chẳng lẽ ta đứng nhìn bầy cọp sắp chết. Ta phải hy sinh tấm thân này để cứu chúng, mong rằng ta sẽ bước lần tới mức giác ngộ hoàn toàn, hầu cứu độ chúng sanh ra khỏi luân hồi. Ước mong tất cả chúng sanh điều an vui hạnh phúc”. Sẽ có người cho câu chuyện đức Phật trong tiền kiếp hy sinh tấm thân cho lũ cọp sắp chết ăn là chuyện hiểu, được ý phải quên lời. Đấy là chuyện bất khả tư nghị, nếu nối kết nó với hình ảnh Bồ Tát Quảng Đức chấp tay thiền định trong lửa hồng. Những ai chứng kiến đều phải rúng động tâm can không tin vào đôi mắt của mình. Đấy là hình ảnh của một vị Bồ Tát mang tâm từ bi lớn lao, vì muốn phá vô minh của người mà quên mạng sống của người. Tâm đại từ đưa tới đại dũng đại trí ngọn lửa từ bi của Bồ Tát thật là vô tiền khoáng hậu.
 Đại từ đại dũng của Bồ Tát Quảng Đức có được từ đâu? Thì ra đạo Phật không nói đến việc tử đạo. Nhưng trong mười pháp Ba la mật có pháp bố thí “Ba la mật” tức là sẵn sàng hy sinh mạng sống cho chúng sinh. Hy sinh mạng sống hay hy sinh một phần thân thể để làm thực phẩm hoặc làm gì đó để cứu chúng sinh là hình thức bố thí vĩ đại, cao quý nhất (việc hiến tặng nội tạng cho bệnh nhân nghèo nằm vào trường hợp này chăng). Trở lại với bầu không khí miền Nam 1963, cuộc chiến tương tàng khốc liệt lúc đó là một cái nghiệp. Phật giáo gặp anh em Ngô Đình Diệm cũng như gặp phải nghiệp chướng cộng tất cả các nghiệp mới thấy miền Nam lúc đó sống trong cộng nghiệp nặng nề. Làm sao hóa giải nó đây. Trừ ai đó mà tiếng nói, hành động bất ngờ (gần như phép lạ) để tình hình lập tức thay đổi, mọi người quên nghịch lẫn hận thù quay đầu nhìn lại.
Trong “Lục mạch thần kiếm” của Kim Dung có chi tiết. Hai bậc cao thủ dị nhân lên núi ngồi đánh cờ, bàn cờ rơi vào thế tiến không được mà lùi cũng không được nhưng chẳng chịu mình thua. Hai người ngồi bất động trước bàn cờ quên  cả ăn uống. Nhà sư Hư Trúc chất phác thật thà ở bên cạnh nhìn ngơ ngác, rồi Hư Trúc bị bàn cờ lôi cuốn, gương mặt ngờ nghệch tay chân lụp chụp tình cờ đụng phải quân cờ để cho quân ta ăn quân mình, bất ngờ bàn cờ được hóa giải, mở ra nước đi khiến hai bậc dị nhân cao thủ phải kêu lên. Họ đánh cờ gì, tác giả không cho biết, chắc là tác giả chỉ tưởng tượng chớ cờ tướng đâu có luật cho phép quân ta ăn quân của mình. Tôi đọc “Lục mạch thần kiếm” mấy chục năm qua, quên hầu hết cũng không hề đọc lại nhưng không hiểu sau lại nhớ mãi chi tiết này. Sở dĩ nhớ vì chi tiết thú vị ở chỗ vừa hài vừa bi. Ai đời đánh cờ mà cho quân ta ăn quân mình. Một hành vi vượt qua trí tưởng tượng nhưng nó lại giải được bài toán nan đắc, nan giải. Có thể nói đây là tuyệt chiêu chỉ ra đòn được một lần, đúng thời điểm, không lặp lại lần thứ hai nó mất linh nghiệm.
Đang viết chuyện này bắt quàng qua chuyện khác, thật ra là tôi rất nghiêm chỉnh khi nghĩ về Bồ Tát Thích Quảng Đức, sự hy sinh của Bồ Tát ở đây nó gần giống như vậy. Miền Nam lúc đó giống như con cọp mẹ sắp chết, bầy cọp con sắp chết đói theo, tình cờ gặp được đức Phật hy sinh mạng sống cho. Bồ Tát Thích Quảng Đức cũng vậy thôi!