Nhà thơ Định Hải nhận định: “Khi đọc tập thơ “Tập đếm” của Trương Thiếu Huyền, tôi thấy như mình được trở về với tuổi ấu thơ, càng đọc càng thấy nhiều điều tâm đắc. Trước hết, thơ anh rất chân thực, rất gần với trẻ em, không giả vờ cúi xuống làm con trẻ. Sau nữa, thơ anh rất nhân hậu, bao dung. Cha ông ta đã nói thơ là người mà! Bởi nhà thơ nhìn đời bằng con mắt trẻ thơ, nên anh đã viết về những gì các em nhìn thấy, những đồ vật, loài vật, cảnh vật xung quanh các em. Và anh đã nhìn bằng cái nhìn trong sáng, ngộ nghĩnh của trẻ em. Nhưng điều quan trọng hơn là phải có tấm lòng nhân ái, có tình cảm chân thành, không gò gẫm lên gân. Bạn đọc dễ dàng nhận thấy nhà thơ hay nói về tình bạn. Hình như tất cả đều là bạn của trẻ em. Bố mẹ cũng là bạn. Ông bà cũng là bạn. Cây cỏ, loài vật đều là bạn của trẻ em. Thiên nhiên đất trời đều là bạn của các em”.




LON TON BƯỚC CHÂN ĐI VỚI TRẺ THƠ

ĐỊNH HẢI

Cuối những năm 80 của thế kỉ trước, tôi gặp Trương Thiếu Huyền lần đầu tiên tại Trại sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam ở Hà Nội. Ngày ấy anh còn trẻ măng, dáng hình thanh mảnh, phong thái thư sinh. Đặc biệt anh có đôi mắt trong trẻo, mơ mộng. Đúng là con mắt xanh của nhà thơ ở vùng Vịnh Hạ Long.
Giờ đây, khi đọc tập thơ “Tập đếm”, tôi thấy như mình được trở về với tuổi ấu thơ, càng đọc càng thấy nhiều điều tâm đắc. Trước hết, thơ anh rất chân thực, rất gần với trẻ em, không giả vờ cúi xuống làm con trẻ. Sau nữa, thơ anh rất nhân hậu, bao dung. Cha ông ta đã nói thơ là người mà!
Bởi nhà thơ nhìn đời bằng con mắt trẻ thơ, nên anh đã viết về những gì các em nhìn thấy, những đồ vật, loài vật, cảnh vật xung quanh các em. Và anh đã nhìn bằng cái nhìn trong sáng, ngộ nghĩnh của trẻ em. Nhưng điều quan trọng hơn là phải có tấm lòng nhân ái, có tình cảm chân thành, không gò gẫm lên gân.

Bạn đọc dễ dàng nhận thấy nhà thơ hay nói về tình bạn. Hình như tất cả đều là bạn của trẻ em. Bố mẹ cũng là bạn. Ông bà cũng là bạn. Cây cỏ, loài vật đều là bạn của trẻ em. Thiên nhiên đất trời đều là bạn của các em. Bởi có tình yêu con người, tình yêu cuộc đời nên mới có một tình bạn kì lạ thế này:
Bạn em là Vịnh Hạ Long
Em treo ảnh bạn ở trong nhà mình.
(Vịnh Hạ Long)
Chắc là Bạn-Vịnh-Hạ-Long cũng giống hệt như các em:
Ở đây sóng muốn bay lên
Đảo thì tự biết đặt tên cho mình.
Đó là những câu thơ thân thiết như ruột thịt, những câu thơ ý nhị, tinh tế, vừa rất nên thơ vừa rất trẻ thơ. Nếu không có một trái tim bình yên, một tấm lòng nhân hậu thì làm sao có được những câu thơ dung dị mà xao xuyến vô cùng:
Gió heo may vồi vội
Lay cúc vàng bờ đê
(Gió)
Đó là những câu thơ nhẹ nhàng, lay động, mà đằng sau nó là sự tinh tế, tinh xảo không để lại dấu vết.
Giống như thơ của Võ Quảng, Phạm Hổ, Trần Đăng Khoa, Xuân Quỳnh, thơ của Trương Thiếu Huyền thường là những câu chuyện, có cốt truyện, có nhân vật, có đối thoại, có kịch tính. Nhờ vậy mà thơ anh có sức lôi cuốn, hấp dẫn khiến người đọc phải theo đuổi đến cùng.

Cũng như thơ nói chung, thơ viết cho thiếu nhi phải giàu trí tưởng tượng, giàu sức liên tưởng. Trong tập thơ này, Trương Thiếu Huyền luôn phát huy trí tưởng tượng bay bổng bất ngờ rất hợp với óc tưởng tượng của trẻ thơ:
Chuột xù chạy biến mất
Rơi cả kính đang đeo
         (Chuyện Chuột Xù)
Bé gọi chị Hằng ơi
Xuống gần em chút nữa.
(Bầu trời của Bé)
Tác giả thường có mối liên tưởng bất ngờ, kéo thiên nhiên vô tri vô giác về với cuộc sống con người, khiến cho các em cảm thấy mọi vật đều có tâm hồn, có vóc dáng:
Gió vui như em nhỏ
Cánh diều nghiêng vòm trời
Gió khỏe như người lớn
Giục cánh buồm ra khơi.
(Gió)
Thế giới trẻ thơ luôn đầy ắp tiếng cười. Ở đây những tiếng cười bất ngờ dành cho những cái kết thú vị. Chẳng hạn ở đoạn kết của bài thơ “Trời rất nhỏ”, tác giả đưa ra một nhận xét bất ngờ của một chú gà trống đầy ngộ nhận:
Gà rung mào vỗ cánh
Truyền báo khắp nơi nơi:
Ó- o- trời- rất- nhỏ
Cỡ- bằng- vũng- nước- thôi!
Thật là lí thú, khi đọc bài thơ này, ta lại liên tưởng ngay đến câu chuyện “Ếch nằm đáy giếng” xa xưa. Tiếng cười lại vỡ òa khi chú bé Quang ca ngợi những sợi dây mà chú thấy (như dây điện, dây thừng…) nhưng cuối cùng chú bất ngờ gặp phải “sự cố” đứt dây chun quần:
Tự nhiên Quang cười
Dây chun quần đứt
- Thấy chưa, sợi dây
Đúng là quý nhất!
(Quý nhất sợi dây)
Tôi chợt nhớ tới bộ đôi tiểu thuyết “Quê nội- Tảng sáng” của nhà văn Võ Quảng. Đúng là tiếng cười ở đó thật tràn trề, sảng khoái, cười đến… vỡ bụng! Văn học thiếu nhi cần thêm nhiều tiếng cười như thế. Tôi thích thơ Trương Thiếu Huyền là vì vậy. Hình như gần ba mươi năm rồi mà anh vẫn hồn nhiên, ngộ nghĩnh và tinh nghịch nữa. Hình như tôi vẫn thấy anh đang lon ton bước chân đi với trẻ thơ.