Nhà nhà làm biên kịch, người người làm biên kịch. Những mái đầu chăm chỉ cắm cúi trước lap top trong phòng máy lạnh, nhưng những ngón tay cực nhọc cứ ngập ngừng trước bàn phím vì… khô cạn ý tưởng. Chuyển thể tác phẩm văn học lên màn ảnh, được xem như một sự chọn lựa khôn ngoan. Chỉ cần hơi lành nghề kiếm ăn trong lĩnh vực biên kịch, thì hầu hết các tác giả đều đánh hơi được giá trị thăng hoa ở những cuốn tiểu thuyết vừa xuất bản. Vì sao không phải truyện ngắn, mà phải là tiểu thuyết? Rất đơn giản, phim truyền hình chuộng độ dài, dưới 20 tập rất khó được duyệt. Từ một truyện ngắn thì rất khó lòng bồi đắp thêm nhân vật, thêm chi tiết để có kịch bản nhiều tập. Cứ tưởng phen này, nhà văn vừa phát hành tiểu thuyết sẽ hạnh ngộ ngay nhà biên kịch nhạy bén để cả hai cùng nhau hợp tác vui vẻ.Thế nhưng, sự đời không đơn giản vậy, bản quyền vẫn tiềm ẩn nhiều rắc rối mơ hồ.



NƠI TRÁI TIM Ở LẠI hay nơi rắc rối bản quyền ?

TUY HÒA

Sự nở rộ đa dạng của hàng trăm kênh truyền hình cạnh tranh quyết liệt, để có đủ số lượng phim nội phát sóng thường xuyên, đang đặt nhiều nhà sản xuất trước bài toán nan giải. Muốn có phim, đầu tiên phải có kịch bản. Dường như mọi nguồn lực có khả năng sản xuất kịch bản đều được huy động, từ nhà văn bậc trung cho đến phóng viên nhàn rỗi đều được mời viết kịch bản phim truyền hình. Ngày xưa, trở thành biên kịch rất khó. Bây giờ cái danh biên kịch bớt lấp lánh dần.

Nhà nhà làm biên kịch, người người làm biên kịch. Những mái đầu chăm chỉ cắm cúi trước lap top trong phòng máy lạnh, nhưng những ngón tay cực nhọc cứ ngập ngừng trước bàn phím vì… khô cạn ý tưởng. Chuyển thể tác phẩm văn học lên màn ảnh, được xem như một sự chọn lựa khôn ngoan. Chỉ cần hơi lành nghề kiếm ăn trong lĩnh vực biên kịch, thì hầu hết các tác giả đều đánh hơi được giá trị thăng hoa ở những cuốn tiểu thuyết vừa xuất bản. Vì sao không phải truyện ngắn, mà phải là tiểu thuyết? Rất đơn giản, phim truyền hình chuộng độ dài, dưới 20 tập rất khó được duyệt. Từ một truyện ngắn thì rất khó lòng bồi đắp thêm nhân vật, thêm chi tiết để có kịch bản nhiều tập. Cứ tưởng phen này, nhà văn vừa phát hành tiểu thuyết sẽ hạnh ngộ ngay nhà biên kịch nhạy bén để cả hai cùng nhau hợp tác vui vẻ.Thế nhưng, sự đời không đơn giản vậy, bản quyền vẫn tiềm ẩn nhiều rắc rối mơ hồ.

Bộ phim “Nơi trái tim ở lại” vừa phát sóng trên HTV9 – Đài truyền hình TPHCM đã lập tức xảy ra chuyện bất hòa giữa nhà văn và biên kịch. Tiểu thuyết “Nơi trái tim ở lại” của nhà văn Phan Đức Nam từng đoạt giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ năm 2005, được in và tái bản nhiều lần. Cuốn sách đến tay biên kịch Lê Điệp và được gợi ý làm phim. Nhà văn Phan Đức Nam vì mừng rỡ và vì nể nang biên kịch Lê Điệp nên… chỉ thỏa thuận miệng. Sau một thời gian hồi hộp, nhà văn được biên kịch đưa cho 6 triệu đồng “mua ý tưởng”. Sau một thời gian hồi hộp nữa, nhà văn thấy tác phẩm của mình xuất hiện trên phim do NSƯT Lê Cung Bắc làm đạo diễn, với tên gọi, với nhân vật, với diễn biến hầu như giống tiểu thuyết “Nơi trái tim ở lại”, chỉ khác bối cảnh công trường thủy lợi đổi thành.. lâm trường. Nhà văn thắc mắc thì được giải thích “công trường thủy lợi đã ngưng từ lâu, nếu dựng lại sẽ nhiều tốn kém”.

Nếu nhà văn nào khăng khăng không hứng thú với tiểu thuyết do bản thân viết ra được dàn dựng lại bằng ngôn ngữ nghệ thuật thứ bảy, thì có lẽ đó là một lời nói dối ngọt ngào. Nhà văn Phan Đức Nam không hề giấu giếm nỗi hân hoan khi “Nơi trái tim ở lại” lên phim, nhưng vẫn ấm ức vì bộ phim giới thiệu ngắn ngủn “Theo ý tưởng của Phan Đức Nam”. Do sự ngạc nhiên của mình không được giải đáp thỏa đáng từ phía biên kịch Lê Điệp, nhà văn Phan Đức Nam đã gửi đơn khiếu nại đến Hãng phim TFS – đơn vị sản xuất bộ phim truyền hình dài 24 tập “Nơi trái tim ở lại”. Rất thiện chí, giám đốc Hãng phim TFS – Lý Quang Trung đã có công văn trả lời công khai thừa nhận khuyết điểm. Công văn có đoạn ghi rõ: “Chúng tôi cho kiểm tra ngay và nhận thấy đã để sai sót trong phần giới thiệu tác giả ở bộ phim “Nơi trái tim ở lại”. Chúng tôi xin gửi đến ông lời xin lỗi chân thành về sự kiện trên, và hiện tại chúng tôi đang tiến hành chỉnh sửa lại chức danh tác giả trên các tập phim là: “Dựa theo tiểu thuyết “Nơi trái tim ở lại” của nhà văn Phan Đức Nam”.

Thái độ cầu thị của Hãng phim TFS rất đáng hoan nghênh. Phân định đúng sai về bản quyền ở đây đã tương đối mạch lạc. Tuy nhiên, qua vụ đôi co “Nơi trái tim ở lại” có nhiều điều cần phải băn khoăn giữa vấn đề nguyên tác và vấn đề chuyển thể trong quá trình sản xuất kịch bản phim truyền hình hôm nay.

Với bức xúc “sao không tự sáng tạo riêng mà phải mượn cốt truyện của người khác, rồi tự ý xào nấu, thay đổi cho ra vẻ của mình”, nhà văn Phan Đức Nam dọa sẽ khởi kiện biên kịch Lê Điệp. Hòn bấc đã ném đi thì hòn chì dễ gì không ném lại. Biên kịch Lê Điệp không hề khoan nhượng phát biểu với dư luận:  “Thật  ra không còn một chút nào của tiểu thuyết nữa rồi, chỉ có ý tưởng ban đầu là nhân vật Dung, tên ông Phong, sự kiện một tí tẹo thôi. Hãng phim TFS phải gia công rất nhiều, họ đề nghị tôi kéo dài ra mới thành 30 tập. Phan Đức Nam nên xem kỹ lại tiểu thuyết của mình làm được bao nhiêu tập, chỉ còn vài cái tên nhân vật thôi. Phan Đức Nam nên hiểu điều đó để làm việc. Chuyện này xảy ra nhiều rồi, rất nhiều người nói, tại sao kịch bản không giống tiểu thuyết của tôi. Vì thực ra tiểu thuyết không thể là kịch bản phim. Phải nói Phan Đức Nam thông cảm thế, đừng kiện cáo lung tung mà mắc lòng. Không thể được và không đi đến đâu được cả đâu…  Phan Đức Nam đừng có làm căng thẳng thêm, nên chịu khó đọc hộ tôi tí đi, thân tình tôi mới chuyển thành kịch bản còn nếu không thân thì không ai chuyển cho!”. Dĩ nhiên, trong đời sống văn minh hiện tại, không còn ai ngây ngô tin rằng cứ hễ ai đó mạnh mẽ lớn giọng là được xem như có đạo lý hoàn toàn! Ở trường hợp “Nơi trái tim ở lại”, có lẽ lỗi chia đều cho cả hai. Nhà văn Phan Đức Nam có lỗi cả tin đồng nghiệp đàn anh. Còn biên kịch Lê Điệp có lỗi nhìn một giao dịch bản quyền bằng ánh mắt ban phát ơn huệ, nên đánh giá khái niệm “theo ý tưởng” cũng nhang nhác giống khái niệm “theo tiểu thuyết”!

Vì sao thỏa thuận ban đầu chuyển thể “Nơi trái tim ở lại” chỉ 12 tập, nhưng sau đã nâng lên số lượng gấp đôi mà tác giả tiểu thuyết không hề nhận được thông tin gì? Số tiền 6 triệu đồng phải chăng được hiểu là hành vi “bán lúa non” nên mọi biện pháp kỹ thuật tiếp theo áp dụng với “Nơi trái tim ở lại” không cần phải tham khảo ý kiến của nhà văn? Hơn nữa, “mua ý tưởng” cần phải hiểu thấu đáo như thế nào? Rất, rất nhiều thắc mắc phải được giải quyết một cách chuyên nghiệp mà quá trình chuyển thể “Nơi trái tim ở lại” từ sách lên phim đã hờ hững bỏ qua, nên mới xảy ra lùm xùm đáng tiếc!

Phim truyền hình nước ta vẫn đang trên đà phát triển. Cuộc tìm kiếm kịch bản vẫn chưa ngừng lại. Vì vậy, các biên kịch nên có những ứng xử khéo léo hơn với người sáng tạo nguyên tác. Từ tiểu thuyết chuyển thể sang kịch bản phim, về mặt học thuật, đã mặc định thừa nhận sự ra đời một tác phẩm phái sinh. Do đó, nhà văn và biên kịch phải có hợp đồng nghiêm túc từng điều khoản: vay mượn ý tưởng như thế nào, có dùng lại tên gốc tác phẩm không, cấu trúc và nội dung được thay đổi ra sao, có giới hạn xê dịch về đường dây các sự kiện và nhân vật hay không… Thậm chí, thù lao của mỗi bên cũng thể hiện ngay trên giấy trắng mực đen, và có sự giám sát của đơn vị sản xuất phim! Lẽ thường, cái gì dính líu đến danh và lợi đều khá gần với ngòi nổ mâu thuẫn cá nhân. Khi và chỉ khi, nhà văn và biên kịch thoải mái làm việc với nhau như vậy, thì rắc rối mới không phát sinh, và chất lượng phim truyền hình mới được cải thiện!