Viết văn và quá khắc kỷ khi tư duy về nghề, Nguyễn Văn Thọ đang là cây bút dồi dào sức trẻ, dù sòng phẳng ngoài đời, lão đã lên chức ông ngoại từ lâu. Lão không bao giờ coi văn chương là cuộc chơi, không sang sảng tuyên ngôn về sứ mệnh nhà văn hay những điều to tát vĩ đại dẫu khi cần, lão sẵn sàng vén tay áo, chuẩn bị tư thế nghênh chiến xung trận với những ai dám làm vấy bẩn ngôi đền văn chương mà lão tôn thờ, hoặc những giá trị được lão nâng niu trọng thị… Yêu ghét rạch ròi chả bao giờ thèm a dua thớ lợ vóng vót theo các xu hướng thời thượng, lão lúc nào cũng nhơn nhơn một vẻ ngoài thô nhám xù xì và gai góc, chỉ riêng những ai gần gũi thân thiết nhất mới chứng kiến được lão những phút yếu mềm.




Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Sống tuổi hai mươi

NGÔ HƯƠNG SEN

Noel cận Tết tây, cái rét mùa đông bắt đầu mơn trớn cứa da thịt người. Lão để lại vợ và đứa con đang lớn dần lên trong bụng người đàn bà trẻ, trở sang nước Đức. Dẫu muốn hay không thì cái thủ tục ấy vẫn phải định kỳ tiến hành, bởi ở “bển”, lão cũng còn một núm ruột thân thương, cả những mối liên hệ lằng nhằng của hơn hai mươi năm chọn đất khách quê người làm chốn vào ra sinh kế. Đã qua tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận”, thấu đạt lẽ đời, được người xưa coi như hoàn hảo cả về tri hành, kiến văn và kinh nghiệm sống, lão đúng là đang thăng hoa trong chuỗi ngày hạnh phúc, tràn trề sinh lực để yêu và viết, để tiếp tục cuộc hành trình định danh tên tuổi mình: nhà văn Nguyễn Văn Thọ…

1. 
Dạo trong năm, hình như dịp hè, từ Đức lão nhắn tin về qua Yahoo chat: “Anh sắp lấy vợ, một cô trẻ lắm”. Sau những thăng trầm đổ vỡ, những xấp ngửa vò võ ngược xuôi, thấy ừ thế cũng ổn, lão Thọ trúng số… đa thê, chỉ thắc mắc không hiểu gái nào táo gan đủ can đảm song hành giữa chốn ồn ào với một gã đàn ông trọc đầu lớn tuổi, sểnh ra cái lại oang oang văng tục. Nhiệt tình sống, hồn hậu yêu; cái đam mê chực chờ tràn bờ của nhà văn Nguyễn Văn Thọ dễ khiến kẻ yếu bóng vía chờn chờn e ngại.
Lão này đúng là như bão, rầm rập đến, rồi lặng lờ đi, nhưng thực ra cứ lấy cái khẩu khí bề ngoài để khỏa lấp nỗi cô đơn đang ngày một khoét thành rãnh trong sâu thẳm tâm hồn. Lạ là, người như lão sao lại ở nước ngoài lâu được đến thế, sống giữa thế giới mà có khi con gái mình nói chuyện, mình cũng phải căng tai vắt óc ra dịch nghĩa xem nó đang diễn giải điều gì.
Cảm xúc tình yêu không bao giờ cách ngăn câu nệ tuổi tác, đúng như teen choáng ngợp vì mũi tên của thần Cupid, cộng thêm độ điềm đạm trầm tĩnh mà những người sống nhiều kinh nghiệm lắm thường phải có, lão say sưa kể về “nó”. Kiểu của lão vậy, chất dữ dội máu lửa tràn từ trang văn ra ngoài đời, nên chả lạ khi nói cả những điều tưởng phải dịu dàng đằm thắm nhất cũng vẫn bằng một ngôn từ người ngoài nghe qua thấy choáng.
Tình yêu đã bứt lão khỏi nước Đức, buộc lão trở về nhà, tái ngộ hoàn toàn với nơi chốn mà ở đấy lão từng ra đi, từng vật lộn cùng muôn nỗi cơ hàn những mong tìm cơ hội sống. Không còn băn khoăn nhìn trước ngó sau gì nữa, lão đã có cớ để hồi hương, và sống tiếp cuộc sống êm ả của mình nơi chôn rau cắt rốn. Lúc ấy, lão cũng rổn rảng khoe vài tác phẩm mới, trong đó có Nàng Dạ Minh Hương, sau này được bạn bè lão tán dương trên facebook: truyện ngắn hay nhất năm 2012.
Sức làm việc của lão vẫn đáng nể, đêm ngủ đến 3, 4 giờ sáng mò dậy và viết. Văn chương luôn là nỗi ám ảnh thường trực trong lão, nên mọi vui buồn bực bội phấn chấn cáu kỉnh gì cũng từ đó mà ra. Ở Đức lão cũng viết, ở Việt Nam cũng viết, coi viết là công việc thường nhật như công nhân đến ca vào xưởng, bác sỹ đến giờ vào phòng mổ.
Sau tiểu thuyết Quyên thắng lớn cả về doanh thu lẫn danh tiếng, bán được bản quyền cho BHD làm phim, lượng phát hành luôn phải nối bản, gom hết giải thưởng này đến giải thưởng khác, lão lại ngứa ngáy sục sôi với những nỗi dằn vặt khác, không thể không hiện hình thành con chữ. Lão từng đem Quyên đi bán khắp châu Âu, được đón đợi đơn giản bởi Quyên, cũng như bộ phim Hai phía chân trời mà Truyền hình Việt Nam đang chiếu, đã chạm được vào vùng ký ức đẫm nước mắt của những người Việt lỡ chọn trời Tây làm bước ngoặt đổi thay định mệnh.
Khỏe viết đã đành, lão còn hãnh diện trình làng cả thể trạng đủ để làm chú rể, dư sức bỡn cợt những thị phi thường tình. Post ảnh nét mồn một cơ bụng 6 múi cơ bắp rắn rỏi lên facebook cá nhân, lão coi đó là tấm danh thiếp súc tích rõ ràng cho bàn dân thiên hạ khỏi lào xào chọc ghẹo.
Phát quang mảnh đất nguyên là vườn kề bên biệt thự khang trang bấy lâu cho thuê, lão xoay trần ra xây cất lên ngôi nhà tình yêu, xinh xắn tiện nghi và thêm lần nữa, com lê cà vạt dẫn cả phái đoàn đủ lệ bộ đàng hoàng đi hỏi vợ. Người đàn bà trẻ cột được chân lão quanh cửa nhà mặn mà môi mắt, lúc nào cũng rạng rỡ cười, hân hoan sức sống, tự tin xuất hiện cùng chồng ở chốn đông người, yên tâm lau chùi những viên gạch rời để dựng thành mái ấm.  
Chạm ngõ làng văn muộn, cuộc mưu sinh chật vật đã lấy đi gần như trọn đời tuổi trẻ, cái tên Thọ “muối”, để nhớ một thời mẫn cán chân công chức ì ạch nuôi vợ nuôi con, trở thành Nguyễn Văn Thọ nhà văn như sự sắp đặt tiền kiếp của số phận. Nghĩ nhiều day dứt lắm, già trước tuổi như lão không viết văn thì biết làm gì cho khuây khỏa nỗi lòng.
Ngày 30/4/1975, anh lính Cụ Hồ gần tuổi 30, ngơ ngác giữa thành phố Sài Gòn vừa giải phóng, chưa kịp hân hoan nỗi mừng chiến thắng đã phân vân không rõ ngay ngày mai, mình phải làm gì để sinh tồn khi công việc duy nhất thuộc nằm lòng là đánh trận.
Ngay khoảnh khắc ấy đã nhen nhóm hình thành nên một tâm thế nhà văn, một cái chất bạo liệt đầy suy tưởng dù phải mãi đến sau này lão mới bắt đầu đày ải mình trong nghiệp chữ nghĩa. Vốn dòng con nhà, cha là Nguyễn Văn Thiệu họa sỹ thuộc lứa đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương, Nguyễn Văn Thọ được nuôi dưỡng trong một cái văn hóa nền chỉn chu bài bản. Bởi thế khi đến độ chín muồi, lão khó lòng trốn tránh được gánh nặng văn chương.
Viết văn và quá khắc kỷ khi tư duy về nghề, Nguyễn Văn Thọ đang là cây bút dồi dào sức trẻ, dù sòng phẳng ngoài đời, lão đã lên chức ông ngoại từ lâu. Lão không bao giờ coi văn chương là cuộc chơi, không sang sảng tuyên ngôn về sứ mệnh nhà văn hay những điều to tát vĩ đại dẫu khi cần, lão sẵn sàng vén tay áo, chuẩn bị tư thế nghênh chiến xung trận với những ai dám làm vấy bẩn ngôi đền văn chương mà lão tôn thờ, hoặc những giá trị được lão nâng niu trọng thị.
Lão yêu Phạm Tiến Duật, nằng nặc đòi Hà Nội, Phú Thọ hay một địa danh nào đó chạy dài theo dọc dải Trường Sơn hùng vĩ, phải có một con đường mang tên nhà thơ đã khuất. Lão quý Trần Đăng Khoa, nên với lão thần đồng thơ một thuở luôn là vùng cấm không để cho kẻ xấu xâm phạm vào. Không bao giờ thỏa hiệp với kẻ cơ hội và ăn ở hai lòng, lão đôi khi tự nguyện gây chiến, chỉ mặt vạch tên chả kiêng dè đối tượng mình đang khiêu khích là ai, thành ra đương yên lại tạo nên những trận ném đá kịch liệt trên cộng đồng mạng.
Yêu ghét rạch ròi chả bao giờ thèm a dua thớ lợ vóng vót theo các xu hướng thời thượng, lão lúc nào cũng nhơn nhơn một vẻ ngoài thô nhám xù xì và gai góc, chỉ riêng những ai gần gũi thân thiết nhất mới chứng kiến được lão những phút yếu mềm.

2. 
Chớp nhoáng cho chuyến ngược sang Đức thu vén công việc, nhà văn Nguyễn Văn Thọ lại nhanh chóng về nhà. Ở Đức, cách một vài ngày lão lại đăng tải một bàI thơ nhớ vợ lên facebook. Giờ có đi đâu cũng tâm trạng khi yêu, khó bề mà thảnh thơi thoải mái, lão lúc nào chả canh cánh vợ trẻ đang giai đoạn bầu bí bụng mang dạ chửa.
Tháng năm đẩy đưa, cuộc sống mới tràn trề niềm vui và hạnh phúc, Nguyễn Văn Thọ hừng hực khí thế của một gã trai tuổi đương xoan, căng mình ra tận hưởng đặc ân tạo hóa hào phóng ban tặng. Kiểu gì mỗi năm lão cũng phải qua Đức chí ít một lần, đóng thị thực nhập cảnh vào hộ chiếu đã nhằng nhịt các con dấu cho hợp lẽ thường.
Cộng đồng người Việt ở Đức giờ đã ổn thỏa hơn, ít dần đi cái cảnh phấp phỏng đang đêm giật mình thon thót vì cư ngụ bất hợp pháp do thiếu giấy tờ không đủ thủ tục, chỉ còn gắng sống để làm giàu và cao hơn nữa chính là cống hiến, phụng sự trở lại cho chính nước Đức, sau đó là đỡ đần quê hương gia đình.
Là một phần trong số ấy, Nguyễn Văn Thọ lợi thế vốn tư liệu vô giá lâu lâu đem ra nhấm nháp, chưng cất nên những phận đời khôn nguôi ám ảnh mà tiểu thuyết Quyên chỉ là bước khởi đầu. Lão viết về người Việt ở nước ngoài như tự sự cho cuộc đời lão, đau đáu những nhục nhằn và cả khát vọng được sống, được tồn tại, được thể hiện bản lĩnh của một con người đủ đầy nhân thân, lý lịch. 
Vào đúng những thời khắc không ngờ đến nhất, nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã có thêm những cái gạch đầu dòng mới cho trang sách cuộc đời mình. Bây giờ con gái lớn của lão, đứa trẻ bé bỏng của Nhà ba hộ ngày nào đã lấy chồng, kịp làm mẹ ổn thỏa hiện tại ngăn nắp tương lai. Con gái thứ hai, cô nhóc Toản Li rụt rè gửi những dòng chữ non nớt cho Ngài đại tá chờ thư đã phổng phao thiếu nữ, định cư bên Đức, được hưởng một nền giáo dục yên tâm và trọn vẹn…
Những gì cần phải làm cho các con, lão đã thực hiện, cả những gì để chu tất với quá khứ, lão cũng sắp đặt vẹn tròn. Ngày thường của lão chỉ còn là mái ấm có cây khế trĩu quả, có con chó nhỏ suốt ngày theo đuôi bà chủ, và vợ lão, người đàn bà dám đương đầu cùng đủ mọi lực cản để can đảm sống với lựa chọn của mình.
Lão, ở đoạn này của đời, kiêu hãnh vì được yêu, được tận hiến cho tình yêu, được trở lại tuổi đôi mươi làm một ông bố ngờ nghệch hồi hộp trông chờ giây phút chào đời của sinh linh bé bỏng, được thấy mình là chỗ dựa an bình và vững chãi cho những người đã cột tương lai vào lão…


Nguồn: ANTG Cuối Tháng