Những năm 1990, vì thấy đĩa than bị đem ra làm xẻng hót rác, hay quẳng ra đường không thương tiếc, ông Trần Hải Đăng, vốn dân Nhạc viện thấy xót nên bắt đầu sưu tập. Ông mê đến mức, nửa đêm có người báo đĩa độc hay máy lạ là vác xe đi ngay. Cho đến nay, bộ sưu tập máy hát và đĩa của Trần Hải Đăng có thứ hạng trong dân chơi đĩa than ở Hà Nội. Nhạc sỹ Trần Nhật Tân, họa sỹ Quách Đông Phương, đạo diễn điện ảnh Phạm Lộc và rất nhiều người  Hà Nội khác đam mê thú chơi này. Vì sao đĩa CD vừa sẵn lại thuận tiện, nguồn bài hát tải miễn phí mà nhiều người lại thích chơi đĩa than, vừa mất công lại tốn kém? Về kỹ thuật, âm thanh của đĩa than là analog nên rất trung thực trong khi âm thanh đĩa CD là digital, nghe nịnh tai vì kỹ thuật digital cho phép có thể chỉnh sửa các khiếm khuyết của âm thanh. Nghệ sỹ Tiến Đạt ví von, âm thanh đĩa CD giống như cô gái đã qua thẩm mỹ còn âm thanh đĩa than giống như cô gái mặt mộc. Các ca sỹ nổi tiếng thế giới khi làm đĩa than chỉ chọn những bài hát hay nhất trong số các bài họ đã hát, do vậy nghe đĩa than là nghe tinh...
 

Thú chơi đĩa than

NGUYỄN NGỌC TIẾN

Ghi âm manh nha từ năm 1796 nhưng phải hơn tám mươi năm sau, năm 1877 nhà bác học Edison mới chế tạo ra thiết bị ghi âm đầu tiên. Từ đó đến nay máy hát không ngừng được cải tiến. Ở Hà Nội, việc chơi máy hát (máy quay đĩa) bắt đầu từ thập niên 20 của thế kỷ trước. Có lẽ vì ban đầu đĩa hát được làm từ chất liệu than nên sau này dù có thay đổi nhưng người Việt  vẫn quen gọi là đĩa than.
Bác sỹ Trần Duy Hưng làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội lần đầu sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Năm 1954, từ chiến khu trở về tiếp quản Thủ đô, ông lại giữ chức vụ này cho đến 1976. Trần Duy Hưng là người yêu nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc. Ngay trong những năm tháng Mỹ đánh phá Hà Nội và miền Bắc ác liệt bằng không quân, cứ Hà Nội im tiếng súng, lặng tiếng bom là ông lại tận dụng chút thời gian rảnh rỗi hiếm hoi để nghe nhạc. Ông có chiếc máy quay đĩa hiệu Gramophone thế hệ hai. Ông thích nhạc cổ điển và thường nghe nhạc của Beethoven, Liszt, Chopin, Robert Schumann, Tchaikovsky,... Nhưng ông mê nhất Mozart. Cuối năm 1971, Bùi Dư, phóng viên Đài Truyền thanh Hà Nội (bây giờ là Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội) và nhà văn Vũ Bão cùng đoàn văn công Hà Nội vào mặt trận Đường 9 - Nam Lào công tác. Hai người đến nhà Trần Duy Hưng lấy băng thu lời động viên các chiến sỹ quê Hà Nội đang chiến đấu ở mặt trận này đã chứng kiến ông đắm chìm trong giai điệu êm dịu của bản Sô-nát ánh trăng đến mức Vũ Bão và Bùi Dư đứng ngoài cửa chờ đến khi hết bản nhạc mới vào thưa chuyện. Đầu thập niên 70 thế kỷ trước, ở phố Mai Hắc Đế (số nhà 110) có quán cà phê của ông  Hùng. Ông Hùng người miền Nam, nói lại hay đệm "đù" nên khách gọi là quán Hùng "đù". Cà phê Hùng "đù" đặc biệt hơn so với các quán khác bởi có âm nhạc, thứ được liệt vào hàng xa xỉ trong thời chiến. Chiếc máy chạy đĩa hiệu Rihohda của Liên Xô, thô ráp nhưng âm thanh khá hay. Không chỉ có đĩa của ca sỹ người Ý Robertino với những bài hát một thời làm say mê thanh niên Hà Nội như Ave Maria, Torna A Surriento, Mama, Santa Lucia, O sole Mio,... ông Hùng còn kiếm được cả đĩa của Elvis Presley, The Beatles, Elton John... Các đĩa hát này là do các nước xã hội chủ nghĩa ấn hành được ông mua lại của lưu học sinh Đông Âu mang về. Chất lượng cà phê Hùng "đù" không thể sánh được với cà phê "Lâm toét", cà phê Giảng hay cà phê Nhân, song dân mê nhạc uống cà phê là phụ, nghe nhạc là chính. Thời đó, có máy quay đĩa đã khó nhưng kiếm được đĩa hát lại càng khó hơn. Vì thế những người có máy phải đổi đĩa cho nhau để nghe.
Năm 1918, Hãng thu âm Pathé của Pháp đặt cơ sở ở Sài Gòn để thu âm nhạc dân gian Việt Nam. Đĩa hát Việt Nam đầu tiên do Pathé thực hiện là của nhóm đàn ca tài tử Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho. Pathé thu âm sau đó mang về Pháp in ấn. Năm 1918, một trong những người Hà Nội đầu tiên chơi đĩa than là Hàn Liên, nhà chơi và buôn đồ cổ (trước ở phố Hàng Lọng, sau mua nhà 34 phố Lê Thái Tổ) có một chiếc Gramophone loa đồng vểnh lên. Năm 1922, Pathé bắt đầu thu ca trù, loại nhạc chỉ có ở Bắc kỳ làm say lòng các nhân sỹ, trí thức. Số người chơi đĩa than ở Hà Nội có tăng lên nhưng không nhiều, vì ngoài giá chiếc máy lên dây cót này không rẻ thì một chiếc đĩa than tới năm đồng trong khi giá một tạ gạo chỉ có ba đồng. Hơn nữa để nghe nhạc cũng rất công phu và mất thời gian. Những chiếc đĩa than dầy và nặng trịch chạy với tốc độ bảy mươi tám vòng/phút vô cùng ngốn kim. Nghe hai mặt đĩa (mỗi mặt một bài) là phải thay kim, nếu không thay sẽ không nghe được mà giá một chiếc kim là một đồng.
Một thay đổi lớn cho những người nghe đĩa than khi hãng HMV của Mỹ cho ra đời chiếc máy chạy bằng điện đầu tiên vào năm 1927 và sản xuất đại trà vào năm 1928. Do chạy bằng điện nên vòng quay ổn định, nhờ đó, chất lượng âm thanh cũng nâng lên. Thế hệ thứ hai của Gramophone chạy điện ra đời năm 1932 với mã 201. Từ bảy mươi tám vòng/phút, tốc độ quay của đĩa được cải tiến xuống bốn mươi lăm vòng/phút rồi ba mươi ba vòng/phút để thu được  nhiều bài hát hơn. Thời kỳ này Nhà máy điện Yên Phụ xong đã cung cấp điện cho một vùng rộng lớn ở nội thành, do vậy, các gia đình khá giả, nhất là nhà có con du học ở Pháp về đã sắm máy hát. Đầu những năm 1950, người ta pha một số hóa chất làm cho đĩa than nhẹ hơn, nhờ đó mà kim máy lâu mòn. Năm 1938, Hà Nội xuất hiện hãng đĩa Thiên Nhiên (ở phố Hàng Bồ) do người Việt làm chủ. Thiên Nhiên chuyên thu các bài hát dân ca sau đó gửi sang Pháp in thành đĩa và tự phát hành. Nhưng đầu máy quay đĩa chưa thịnh hành nên công việc làm ăn thua lỗ khiến Thiên Nhiên phải đóng cửa sau mấy năm hoạt động.
Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, máy hát và đĩa được mang từ miền Nam ra Hà Nội khá nhiều, đa phần là máy của Nhật. Đĩa tân nhạc, cải lương, tân cổ giao duyên cũng theo ra Hà Nội. Tuy nhiên, phần lớn là đĩa nhựa. Ưu điểm của đĩa nhựa là rẻ, không “ăn” kim như đĩa than, nhưng vì nhẹ nên khi quay đĩa hay bị trồi lên dẫn đến âm thanh không chuẩn. Mặt khác âm thanh đĩa nhựa cũng không chuẩn bằng đĩa than nên dân chơi chuyên nghiệp không thích. Cùng với  máy sản xuất tại Nhật, các máy hát của Liên Xô cũng bắt đầu được mang về và phổ biến là đầu Tuổi Trẻ. Đi theo máy là đĩa, đĩa Amiga (Cộng hòa dân chủ Đức), đĩa Melodia (Liên Xô) và Supraphone (Tiệp Khắc) do  sinh viên, cán bộ đi học và công tác tại các quốc gia này mang về khiến người yêu nhạc biết thêm các giọng hát của Sophia Rotaru, Lili Ivanova (Bungari), Anna Pokachuva (Liên Xô), Karengot (Tiệp Khắc), Dinzit (Cộng hòa dân chủ Đức). Dân chơi chuyên nghiệp Hà Nội có thêm cơ hội nghe nhạc của các ban nhạc nổi tiếng thế giới như Bee Gees, Scorpion, Barbara hay anh em nhà Bolan and Bolan... Đĩa DIHAVINA của Việt Nam (thu âm ở Việt Nam in ở Tiệp Khắc, Liên Xô) đã có trước đó nhưng thời kỳ này mới được người nghe quan tâm. Ông Trần Duy Hưng rất thích một bản nhạc cổ điển nhưng được các dàn nhạc khác nhau hòa tấu, đó là kiểu chơi của người cực am hiểu mà không phải ai cũng có thể theo được. Biết thế nên bạn bè, người thân đi công tác nước ngoài cố gắng tìm mua tặng ông, là người có lòng tự trọng cao, không bao giờ nhận quà cáp của ai nhưng riêng đĩa hát thì ông nhượng bộ. Còn ông Hùng chỉ vì mê đĩa Quả táo (đĩa The Beatles in hình quả táo ở bìa) đã "ăn vạ" hàng tuần liền tại nhà người có đĩa này, và khiến người đó không nỡ từ chối.
Chơi đĩa than có hai loại: chuyên nghiệp và nghiệp dư. Song điểm giống nhau là ở chỗ, họ vô cùng đam mê. Tiền chỉ là một phần nhưng nếu không có đam mê thì không thể có thú chơi sang trọng. Nghệ sỹ Tiến Đạt là một trong số đó, không giầu có nhưng ông luôn tìm đến loại đầu, âm ly, loa có chất lượng âm thanh tốt. Ông cũng có cả trăm chiếc đĩa than được chọn lọc theo “gu” thẩm mỹ. Nếu không phải đi diễn hay bận bịu công việc, bao giờ ông cũng cùng bạn bè chung sở thích ngồi cà phê bàn chuyện âm thanh. Đạo diễn Cao Mạnh (Đài phát thanh - Truyền hình Hà Nội) không dư dả tiền bạc nhưng đam mê không giới hạn máy quay đĩa và đĩa than. Mạnh sở hữu những chiếc máy hát chạy dây cót có một không hai ở Hà Nội như: Petofone, Philips GF 403, đầu máy Sonora cổ quái vì âm thanh phát ra ngay ở đầu “tết” trông như cổ bô xe máy. Đạo diễn Cao Mạnh có bộ đĩa than tốc độ 78 thu các bài cải lương từ thập niên 20 thế kỷ trước đến bây giờ vẫn nghe tốt. Đặc biệt anh kiếm được chiếc đĩa (do tổ chức SOS phát hành năm 1968) thu tám bài hát của trẻ em ở tám quốc gia đang có chiến tranh hát trong đó có bài Gia tài của mẹ của Trịnh Công Sơn. Mạnh cũng thu âm hơn sáu trăm bài hát các thể loại từ người lớn đến trẻ con phổ biến trong thời kỳ chống Mỹ. Đạo diễn này lần nào lấy đĩa ra nghe cũng như nâng trứng, Mạnh bảo các vỏ đĩa được thiết kế đẹp như tác phẩm nghệ thuật nên không thể "thô bạo" được. Còn về thú chơi máy hát đắt tiền thuộc về kiến trúc sư Kỳ Anh. Theo giới thạo chơi, nếu tính về số lượng máy và đĩa DIHAVINA có lẽ chưa ai vượt qua nhạc sỹ An Thuyên. An Thuyên hiện có trong tay máy hát Edison sản xuất năm 1914, máy chạy dây cót có ngót ba chục chiếc. Một món độc khác của An Thuyên là máy hiệu AIT của Mỹ (mô tơ nằm ngoài máy) mạ vàng.
Những năm 1990, vì thấy đĩa than bị đem ra làm xẻng hót rác, hay quẳng ra đường không thương tiếc, ông Trần Hải Đăng, vốn dân Nhạc viện thấy xót nên bắt đầu sưu tập. Ông mê đến mức, nửa đêm có người báo đĩa độc hay máy lạ là vác xe đi ngay. Cho đến nay, bộ sưu tập máy hát và đĩa của Trần Hải Đăng có thứ hạng trong dân chơi đĩa than ở Hà Nội. Nhạc sỹ Trần Nhật Tân, họa sỹ Quách Đông Phương, đạo diễn điện ảnh Phạm Lộc và rất nhiều người  Hà Nội khác đam mê thú chơi này. Vì sao đĩa CD vừa sẵn lại thuận tiện, nguồn bài hát tải miễn phí mà nhiều người lại thích chơi đĩa than, vừa mất công lại tốn kém? Về kỹ thuật, âm thanh của đĩa than là analog nên rất trung thực trong khi âm thanh đĩa CD là digital, nghe nịnh tai vì kỹ thuật digital cho phép có thể chỉnh sửa các khiếm khuyết của âm thanh. Nghệ sỹ Tiến Đạt ví von, âm thanh đĩa CD giống như cô gái đã qua thẩm mỹ còn âm thanh đĩa than giống như cô gái mặt mộc. Các ca sỹ nổi tiếng thế giới khi làm đĩa than chỉ chọn những bài hát hay nhất trong số các bài họ đã hát, do vậy nghe đĩa than là nghe tinh. Hơn nữa đĩa than hiếm khi bị làm giả vì giá thành rất cao. Sau mấy chục năm bị lãng quên và hắt hủi, ngày 11-7-2011, ca sỹ Mỹ Linh họp báo công bố CD mang tên Acoustic-Một ngày cũng đồng thời công bố phát hành một ngàn đĩa than làm sang thêm cho âm nhạc Việt Nam.
Năm 1974, mới học lớp 9 nhưng Đỗ Ngọc Giao ở 34 phố Mai Hắc Đế đã mê đĩa kinh khủng. Máy hát hiệu Tuổi Trẻ không nghe là Giao trùm kín vải vì sợ bụi. Thời đó, nhiều người chơi đĩa thường lấy miếng áo may ô cũ (một trăm phần trăm sợi bông) để lau nhưng Giao mua bút vẽ loại mềm nhất làm chổi quét bụi. Không những thế, thỉnh thoảng, Giao còn đun nước nóng rồi đánh tan cục xà phòng bảy mươi hai phần trăm đen xì, chờ nguội cho đĩa vào rửa. Rửa xong, Giao xâu sợi chỉ qua lỗ phơi trong nhà sợ phơi ngoài sân đĩa bắt bụi. Đĩa có bụi sẽ phát ra âm thanh lạo xạo, ngoài  bực tai còn làm kim nhanh mòn hơn. Bụi cũng có thể làm xước đĩa và khi xước kim sẽ bị vấp và vấp nhiều rất nhanh hỏng kim. Ngày trước, chẳng ai nghĩ đến chuyện lau kim mà cũng chẳng có gì mà lau kim thì hiện tại, người ít tiền có thể mua dầu lau kim của Hồng Công, xịn hơn thì mua dung dịch đóng trong bịch ni lông. Cắm kim vào rồi rút ra, bịch ni lông liền lại còn kim cũng sạch luôn. Vì quay tròn nên đĩa luôn có xu hướng trồi lên, để đĩa không nhấp nhổm, người chơi chuyên nghiệp mua thêm cục chặn, loại bình thường giá một triệu đồng. Nhạc sỹ An Thuyên chơi hơn nhờ nhạc sỹ Mai Lâm mua ở Đức giá hai trăm euro. Còn nghệ sỹ Tiến Đạt không mua chặn đĩa mà mua bộ ôm đĩa giá ba ngàn USD. Lại có tay chơi chuyên nghiệp mua cả cân để cân đầu “tết”, nặng quá tốc độ bị chậm lại, nhẹ quá đĩa bồng bềnh, do vậy cân đầu “tết” để biết đầu này có phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật không. Nếu người không chuyên có thể dùng máy thổi tóc thì dân chuyên nghiệp không thể không có máy rửa đĩa, ít tiền thì mua máy Đài Loan hay Singapore, còn nhiều tiền mua máy xuất xứ châu Âu. Kim máy dẫu được làm bằng thạch anh nhân tạo nhưng một ngày nghe hai đĩa thì chín tháng buộc phải thay kim. Giá kim bình thường khoảng một triệu còn kim tốt giá hai trăm USD. Để nghe được đĩa bảy mươi tám vòng/phút trên máy dây cót, đạo diễn Cao Mạnh phải nhờ mua ở châu Âu vì vẫn còn nhà sản xuất loại kim cổ lỗ sĩ trông giống như đinh guốc, phải mua hai trăm chiếc trở lên họ mới bán. Đó là chưa kể muốn nghe cho thật sướng lỗ tai và cảm nhận được cả tâm trạng của ca sỹ phải đầu tư loa, tăng âm và phòng nghe sao cho không bị vang mà cũng không tiêu âm quá mức.
Theo ông Ninh, người được đánh giá là thẩm âm tốt, am hiểu về âm nhạc và hiện cung cấp đĩa cho rất nhiều người chơi, thì: “Cách đây chục năm, số người chơi đĩa than ở Hà Nội không nhiều, nhưng hiện tại Hà Nội có hàng trăm người. Trong số đó có rất nhiều người chơi chuyên nghiệp. Thú chơi đĩa than không chỉ mang lại thẩm mỹ lành mạnh, trong sáng ở trình độ cao mà còn giúp họ giải tỏa được những căng thẳng trong cuộc sống, vốn là sản phẩm của xã hội công nghiệp”. Còn nghệ sỹ Tiến Đạt dự đoán: “Sẽ có nhiều người chơi đĩa than hơn vì tìm kiếm sự trung thực và mộc mạc đâu phải dễ...”.